Hiện nay, trong tình hình giá cả gia tăng chóng mặt, ngoài biến động tỷ giá ngoại tệ, lãi suất ngân hàng, xăng dầu, điện nước tất cả đều đang tăng nhanh như "diều gặp gió", doanh nghiệp còn gặp khó khăn với tình trạng thiếu nhân lực. Vậy làm thế nào để có thể duy trì sản xuất, vượt qua những khó khăn để tồn tại và phát triển?
Đã có nhiều giải pháp được các chuyên gia đề xuất như tái cơ cấu doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, ứng dụng các giải pháp quản lý như ERP, LEAN, 6 sigma v..v...Chắc chắn đây đều là những giải pháp tuyệt vời để có thể vượt qua cơn khủng hoảng hiện nay, nhưng thử hỏi có bao nhiêu DNVVN Việt Nam có đủ khả năng, năng lực để thực hiện?
Một chương trình tư vấn tái cơ cấu doanh nghiệp sẽ tốn bao nhiêu tiền? Doanh nghiệp có đủ khả năng tài chính để đổi mới công nghệ không? Có đủ nguồn lực có chất lượng phù hợp để áp dụng các giải pháp quản lý hiện đại chưa, hay lại tiền mất tật mang? Tại sao chúng ta không cùng đi tìm một giải pháp thực tế, phù hợp với DNVVN Việt Nam hơn? Để đưa ra một giải pháp khả thi, phù hợp, trước hết là phải biết DNVVN chúng ta đang ở đâu, như thế nào?
Thực trạng doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam:
Khi thực hiện cuộc khảo sát đánh giá năng lực của DNVVN, nhận thấy ngay cái yếu đầu tiên của Doanh nghiệp là khâu tổ chức, thiếu một chính sách nguồn nhân lực, CBNV làm việc không có bảng mô tả công việc, không biết quyền hạn và trách nhiệm của mình đến đâu, không có hệ thống đánh giá hiệu quả làm việc thích hợp. Trong cơ cấu tổ chức DNVVN hiện nay, chuyện tưởng như đùa, là rất nhiều DN không có cả Phòng Tổ chức Nhân sự, và quan trọng hơn Phòng Kế hoạch cũng không. Các Doanh nghiệp hầu như chú trọng nhiều nhất đến khâu bán hàng, marketing, kế toán. Làm thế nào một Doanh nghiệp vận hành hiệu quả trong tình trạng tổ chức như thế?
Xuống đến Nhà máy sản xuất, cái gì dễ nhận thấy trước tiên? Lãng phí! Đâu đâu cũng thấy lãng phí, từ nguyên liệu, thiết bị, con người và nhất là thời gian. Trên mặt bằng sản xuất thấy những gì? Bán thành phẩm tồn trên chuyền, nguyên liệu và phế phẩm rơi vãi, thành phẩm tồn kho, chờ giao . . .Doanh nghiệp chỉ tính làm được bao nhiêu chứ chưa quan tâm làm mất bao lâu thời gian, chi phí đầu vào là bao nhiêu với số thành phẩm đầu ra đạt được, số tồn kho thế nào là phù hợp. Có Doanh nghiệp còn “khoe” là mình có hẳn một kho chứa phế phẩm để quản lý mà không chịu hỏi xem tại sao lại có phế phẩm!
Nguyên nhân do đâu?
Do khâu quản lý, quản lý mà cứ như là không quản lý. Hỏi đến số liệu là không có số liệu, hỏi đến qui trình ai cũng bảo là có nhưng thực hiện, đánh giá thế nào thì lại không trả lời được! Thật ra cũng không có gì làm lạ, vì có bao nhiêu Cán bộ quản lý hiện nay (và ngay cả các Giám đốc doanh nghiệp) đã được đào tạo về quản lý sản xuất? Những kiến thức quản lý cơ bản còn chưa áp dụng tốt mà có doanh nghiệp muốn đưa các hệ thống quản lý ERP, 6Sigma vào doanh nghiệp, xem như trò đùa, hay chỉ để làm thương hiệu cũng giống tình trạng phong trào ISO của DNVN vừa qua (?!)
Giải pháp tháo gỡ như thế nào?
Điều cần làm hiện nay là DNVVN hãy nhìn lại mình, đánh giá lại năng lực thực sự của Doanh nghiệp, phát hiện và tiết giảm các lãng phí trong quá trình hoạt động sản xuất là có thể giảm khoảng 20 - 30% chi phí sản xuất, từ đó nâng cao năng lực sản xuất, phần nào giảm thiểu những khó khăn hiện nay. Để làm những việc này chưa cần đến các giải pháp to lớn nêu trên mà tự thân doanh nghiệp có thể thực hiện được với những giải pháp đơn giản hơn: hoàn chỉnh lại cơ cấu tổ chức, thiết lập hồ sơ công việc, triển khai chương trình Kaizen 5S, đào tạo Kỹ năng quản lý cho Cán bộ quản lý. Khi nào thực hiện tốt bước này hãy tính đến các giải pháp cao siêu.
Để biết thêm chi tiết về cách thức quản lý cắt giảm chi phí, vui lòng liên hệ với chuyên gia tư vấn 0422 310 689, 0989 979 434, HieuISO@gmail.com. www.TopManJsc.com
0 comments:
Post a Comment