Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp & PTNT, để thống nhất hoạt động kiểm tra chứng nhận chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, ngày 03/08/2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 55/2011/TT-BNNPTNT kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản (CL, ATTP) đối với lô hàng thủy sản và sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm.
Kể từ ngày 16/9/2011, các đối tượng phải thực hiện theo quy định tại Thông tư là: cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định hiện hành của Việt Nam và tàu cá có công suất máy chính từ 50 CV trở lên,trong đó có các cơ sở có sản phẩm XK và các cơ sở có sản phẩm chỉ tiêu thụ nội địa. Lô hàng XK thuộc diện phải kiểm tra, chứng nhận nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam và của nước NK.
Các Cơ sở thuộc diện được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trong sản xuất, kinh doanh thủy sản lập 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm tra và gửi cho Cơ quan kiểm tra theo phân cấp để được kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận ATTP.
Cơ quan kiểm tra phối hợp với cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm tàu cá thực hiện việc thống kê, lập danh sách các cơ sở thuộc phạm vi quản lý theo phân công, phân cấp quy định và thông báo kế hoạch kiểm tra đến các cơ sở bằng một trong các hình thức gửi trực tiếp, fax, email.
Cũng theo Thông tư này, cơ sở bị thu hồi Giấy chứng nhận ATTP trong 09 trường hợp, trong đó có: Cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận ATTP nhưng có kết quả kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm xếp loại C sau 02 lần liên tiếp; cơ sở đang sản xuất, kinh doanh gây cản trở khi Đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ; cơ sở vi phạm quy định về kiểm soát tạp chất, vi phạm quy định về sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm, vi phạm quy định về ghi nhãn lô hàng thủy sản…
Các lô hàng chỉ được phép xuất khẩu khi được sản xuất từ Cơ sở đã được công nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP, đồng thời đáp ứng các quy định về bảo đảm ATTP của các nước nhập khẩu tương ứng; được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận CL, ATTP theo quy định của nước nhập khẩu và quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đối với các lô hàng XK có yêu cầu chứng nhận kiểm dịch theo quy định hiện hành, Cơ quan kiểm tra nêu tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này thực hiện đồng thời việc kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm dịch.
Nội dung kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở bao gồm:
- Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và người trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh về bảo đảm an toàn thực phẩm thủy sản;
- Chương trình quản lý chất lượng;
- Thủ tục truy xuất nguồn gốc sản phẩm;
- Lấy mẫu để thẩm tra hiệu quả hoạt động tự kiểm soát về an toàn thực phẩm của cơ sở khi cần thiết (không áp dụng trong trường hợp Cơ quan kiểm tra là Ủy ban Nhân dân cấp xã). Trường hợp có lấy mẫu thẩm tra, Đoàn kiểm tra phải lập phiếu lấy mẫu kiểm nghiệm có chữ ký của trưởng đoàn kiểm tra và người đại diện có thẩm quyền của cơ sở;
Phương pháp kiểm tra, hướng dẫn đánh giá đối với các cơ sở thực hiện theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 14 và Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/09/2011 và thay thế Quyết định số 117/2008/QĐ-BNN ngày 11/12/2008; Quyết định số 118/2008/QĐ-BNN ngày 11/12/2008; Thông tư số 78/2009/TT-BNNPTNT ngày 10/12/2009. Hủy bỏ Điều 1, Điều 2 Thông tư số 23/2011/TT-BNNPTNT ngày 06/04/2011; hủy bỏ Điều 3, Điều 4 Thông tư số 47/2010/TT-BNNPTNT ngày 03/08/2010.
Để được nhận MIỄN PHÍ bản đầy đủ Thông tư số 55/2011/TT-BNNPTNT, hãy gửi mail ngay tới hieuiso@gmail.com, chúng tôi sẽ gửi file thông tư này ngay cho bạn.
0 comments:
Post a Comment