Sáng 19/02/2011, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng tư vấn CCTTHC và ra mắt Cục Kiểm soát thủ tục hành chính.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách CCTTHC; cùng đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, đại diện lãnh đạo 21 Bộ, cơ quan ngang bộ và 19 địa phương tham dự.
Thay mặt Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã biểu dương và hoan nghênh Tổ công tác chuyên trách CCTTHC, Hội đồng tư vấn CCTTHC của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức quốc tế, các nhà tư vấn, chuyên gia, người dân và doanh nghiệp… đã chung tay vì sự nghiệp CCTTHC và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Phó Thủ tướng cho rằng, CCTTHC là tư duy đúng, một khâu đột phá đúng để xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, chống nạn tham nhũng, tiêu cực, làm lành mạnh hóa bộ máy hành chính.
Thành công này chính là nhờ chúng ta đã sử dụng hệ thống tư vấn nhiều chiều, tư vấn từ trong nước, ngoài nước, từ các hiệp hội doanh nghiệp, từ Liên đoàn Luật sư… Đi theo đó là sự kiểm soát, đòi hỏi TTHC phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Từ đó đặt ra vấn đề cần thiết phải cái cách, cần thiết phải sửa đổi. Cách làm này là một bài học quý giá.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, “CCTTHC thực chất là cắt bỏ những quyền lực gây nên cản trở, nhũng nhiễu, làm cho bộ máy hành chính không trong sạch. Đây là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, là công cụ đấu tranh mang tính cách mạng, xét rộng ra không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà quan trọng hơn là có ý nghĩa chính trị, xã hội, góp phần tích cực xây dựng bộ máy trong sạch vững mạnh, đáp ứng lòng tin yêu của người dân, doanh nghiệp”.
Trước yêu cầu đó, Phó Thủ tướng đề nghị, những cán bộ làm công tác CCTTHC phải vừa đổi mới tư duy, toàn tâm toàn ý, có năng lực, có sức chiến đấu mới đủ sức đảm đương, đồng thời tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của các chuyên gia, các nhà tư vấn, tổ chức trong và ngoài nước.
Được biết, sau ba năm triển khai (2007-2010), quá trình đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua Đề án 30 đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận, góp phần hiện thực hóa các cam kết của Chính phủ trong việc xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh , lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Trong năm 2009, Đề án đã hoàn thành giai đoạn thống kê với việc công bố trên Internet bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính gồm trên 5.400 thủ tục, 9.000 văn bản quy định và 100.000 biểu mẫu thống kê thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, Đề án đã giúp chuẩn hóa và thống nhất được bộ thủ tục hành chính tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, góp phần minh bạch hóa, tạo thuận lợi cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận và giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính.
Sau khi Đề án kết thúc giai đoạn rà soát vào tháng 12 năm 2010, Chính phủ đã ban hành 25 nghị quyết thông qua phương án đơn giản hóa gần 5.000 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của 24 bộ, ngành, đạt tỷ lệ đơn giản hóa 88%, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Các nghị quyết này, sau khi được thực thi dự kiến sẽ giúp cắt giảm 37,3% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân, tương ứng khoảng 30.000 tỷ đồng/năm.
Nhân dịp này, Văn phòng Chính phủ đã chính thức ra mắt Cục kiểm soát thủ tục hành chính nhằm duy trì các kết quả của CCTTHC. Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 01 năm 2011 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Cục kiểm soát thủ tục hành chính sẽ giữ vai trò trung tâm kiểm soát thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi cả nước theo 4 nhóm tiêu chí về sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và tính hiệu quả; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực thi giai đoạn 3 của đề án 30; bảo đảm tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền; đồng thời chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan duy trì hoạt động tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về các quy định hành chính nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính.
Tại Hội nghị, 45 tập thể, cá nhân đã được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 81 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ vì những thành tích xuất sắc trong công tác CCTTHC.(Nguồn: PVC)
0 comments:
Post a Comment