Tuesday 1 March 2011

An toàn, sức khoẻ nghề nghiệp và năng suất trong doanh nghiệp


1. Giới thiệu về Tiêu chuẩn an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp OHSAS 18001:2007
Hệ thống quản lý an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp (OHSAS) xác định các quá trình để cải tiến thường xuyên các hoạt động về an toàn và sức khoẻ và phù hợp với các yêu cầu pháp luật. Hệ thống này tạo ra nền tảng để tích hợp với kế hoạch kinh doanh tổng thể của Doanh nghiệp. OHSAS 18001:2007 là tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp. Nó tạo điều kiện cho các Doanh nghiệp kiểm soát các rủi ro về an toàn và sức khoẻ và cải tiến các hoạt động của mình. Bộ tiêu chuẩn bao gồm 2 tiêu chuẩn OHSAS 18001 và OHSAS 18002.
Tiêu chuẩn OHSAS 18001 là tiêu chuẩn dùng để đánh giá và chứng nhận. Tiêu chuẩn không phải là yêu cầu pháp luật hoặc hướng dẫn áp dụng. Tiêu chuẩn không qui định các tiêu chí thực hành cụ thể hoặc đưa ra yêu cầu chi tiết về thiết kế hệ thống quản lý. Thay vào đó hệ thống hướng đến giảm hoặc ngăn ngừa các tai nạn, tử vong, tiêu tốn nguồn lực, thời gian liên quan đến tại nạn, sự cố.
OHSAS 18001:2007 được xây dựng tương thích với hệ thống quản lý ISO 9001 (chất lượng) và ISO 14001 (môi trường). Bất kỳ cơ quan nào áp dụng OHSAS 18001:2007 đều có thể dễ dàng tích hợp với các hệ thống quản lý khác. Tiêu chuẩn OHSAS 18001:2007 tuân thủ theo chu trình PDCA (Lập kế hoạch- thực hiện- kiểm tra và cải tiến) và nhấn mạnh vào cải tiến thường xuyên.
Các điều khoản của tiêu chuẩn OHSAS 18001 bao gồm(1):
* Lợi ích áp dụng hệ thống OHS bao gồm:
Tiêu chuẩn OHSAS 18001:2007 được xây dựng như là chuẩn mực để đánh giá chứng nhận hệ thống OHSAS. Trong môi trường làm việc hiện nay, có thể áp dụng OHSAS 18001:2007 trong các tổ chức làm dịch vụ cũng như các ngành mỏ, ô tô hoặc công nghiệp xây dựng, công nghiệp khác …. Áp dụng OHSAS để đảm bảo:
  • Phù hợp với chính sách OHS
  • Duy trì và cải tiến thường xuyên hệ thống OHS
  • Giảm tai nạn và bệnh tật liên quan đến công việc
  • Giảm chi phí do tại nạn và bệnh tật
  • Các hoạt động của Công ty được cải thiện thông qua chính sách và thủ tục.
  • Đáp ứng được yêu cầu của luật pháp,
  • Giảm rủi ro bị phạt,
  • Cải thiện hình ảnh của công ty thông qua việc cam kết quản lý và giảm thiểu các rủi ro cho nhân viên và khách hàng.
  • Giúp giữ chân nhân viên một cách hiệu quả. Nhân viên ngày nay thường thay đổi công việc, họ luôn hương đến môi trường làm việc tốt hơn do vậy Doanh nghiệp có hệ thống OHS sẽ là nơi chọn lựa của họ.
  • Nâng cao uy tín của Doanh nghiệp tạo điều kiện làm ăn buôn bán với nhiều thị trường được quy định chặt chẽ về an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp trên thế giới.
*)Những khó khăn khi áp dụng hệ thống An toàn và sức khoẻ nghề nghiệp.
  • Không giống như áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO9001:2000 mà người ta thường gọi là phần mềm, áp dụng hệ thống OHS thường liên quan đến phần cứng, có nghĩa là Doanh nghiệp phải đầu tư chi phí để nâng cấp nhà xưởng, huấn luyện nhân viên, đo kiểm môi trường làm việc…
  • Đã từ lâu các nhân viên trong Doanh nghiệp không có thói quen sử dụng Bảo hộ lao động, nay phải sử dụng đầy đủ tạo ra một áp lực thay đổi và sự thay đổi này cần có sự hỗ trợ của lãnh đạo và thời gian.
  • Người ta cho rằng khi áp dụng hệ thống OHS sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất do phải sử dụng đồ bảo hộ cồng kềnh, phải thực hiện đúng các qui trình an toàn . Tuy nhiên khi có sự cố về an toàn sức khoẻ, thiệt hại về người và của là không tính hết và lúc đó Doanh nghiệp cũng không còn năng suất nữa. Ví dụ hoả hoạn, tại nạn nghề nghiệp, ngộ độc thức ăn, bệnh nghề nghiệp…
  • Một số Doanh nghiệp cũng muốn áp dụng hệ thống an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp nhưng chỉ để “bằng” với các Doanh nghiệp khác. Việc áp dụng hệ thống vài ngày trong năm sẽ dẫn Doanh nghiệp đến chỗ bị động và luôn phục vụ cho hệ thống này thay vì hệ thống OHS phải phục vụ cho lợi ích của Doanh nghiệp.
  • Trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp cũng là vấn đề cần phải tính đến. Các Doanh nghiệp lớn có tiềm năng về kinh tế thường nghĩ đến trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với cộng đồng. Họ sẵn lòng thực hiện các chương trình an toàn sức khoẻ trong Doanh nghiệp nhằm tạo ra môi trường làm việc thoải mái, an toàn. Tuy nhiên đối với các Doanh nghiệp nhỏ và vừa, chất lượng đã là vấn đề mà Doanh nghiệp phải tập trung lo lắng hàng đầu, việc áp dụng thêm hệ thống OHS đòi hỏi thời gian, nguồn lực kể cả sự hỗ trợ từ các Hiệp hội Doanh nghiệp, nhà nước.
  • Các cấp lãnh đạo Doanh nghiệp chưa nghĩ đến lợi ích lâu dài do hệ thống OHS mang lại mà chỉ tập trung và các mục tiêu ngắn hạn.
2. Tình hình áp dụng hệ thống OHSAS tại Việt nam.
a. Các vấn đề về an toàn lao động
Theo số liệu của cục An toàn lao động, trong 6 tháng đầu năm 2007 đã xảy ra 2.996 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 3.057 người bị nạn, có 197 vụ TNLĐ chết người làm 224 người bị chết, 457 người bị thương nặng. Số liệu này sẽ không dừng lại nếu không có biện pháp thích hợp dựa vào nguyên nhân gốc gây ra hậu quả nói trên.
Về nguyên nhân dẫn tới tai nạn (2), chủ yếu là do:
  • Kkhông có quy trình hoặc công nhân không tuân thủ quy trình an toàn lao động. Tỷ lệ này chiếm tới 45,7%.
  • Các nguyên nhân khác như: điều kiện làm việc, thiết bị không an toàn; không có hoặc không sử dụng trang bị bảo hộ lao động, trang bị bảo hộ lao động không đảm bảo an toàn;
  • Người lao động chưa được huấn luyện kỹ thuật an toàn hoặc huấn luyện chưa đầy đủ theo quy định… "Điều kiện về đảm bảo an toàn lao động vốn không quá tốn kém.
b. Áp dụng hệ thống an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp
Các Công ty liên doanh, Công ty có vốn nước ngoài thường áp dụng hệ thống này như là điều kiện bắt buột từ các công ty mẹ. Một số công ty điển hình như Vedan, Crown, Nhà máy nước Bình an, …
Các công ty Việt nam vẫn đang chật vật với hệ thống quản lý chất lượng và chưa đủ nguồn lực để thực hiện hệ thống này. Số lượng Công ty Việt nam đạt giấy chứng nhận OHSAS chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, một số Doanh nghiệp xuất hàng sang nước Mỹ phải áp dụng hệ thống trách nhiệm xã hội theo SA 8000. Hai hệ thống này có những điểm tương đồng và phần nào cũng nâng cao ý thức của Doanh nghiệp trong việc thực hiện các qui định về an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp.
3. Mối liên quan giữa hệ thống An toàn và Sức khoẻ nghề nghiệp và Năng suất
Trung tâm an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp của Nhật bản (3) đã nghiên cứu và kết luận về mối quan hệ giữa An toàn, Sức khoẻ nghề nghiệp với năng suất.
  • Tỷ lệ tai nạn đã giảm từ 7,25 (1972) xuống còn 3,59 trong năm 1980 trong khi đó năng suất công nghiệp tăng lên 1,4 lần .
  • Tỷ lệ tai nạn trong những năm đã giảm từ 3,23 năm 1981 xuống còn 1,75 trong năm 1998 trong khi đó năng suất công nghiệp tăng lên 1,5 lần
Điều đó cho thấy tỷ lệ tại nạn giảm đã góp phần thúc đẩy năng suất công nghiệp gia tăng.
Theo truyền thống an toàn và năng suất trong Doanh nghiệp thường kéo ngược về 2 phía, hệ thống càng an toàn năng suất càng thấp(4). Ngày nay các hệ thống được áp dụng trong Doanh nghiệp có thể giúp gia tăng năng suất trong khi vẫn đáp ứng các yêu cầu về an toàn. Doanh nghiệp sử dụng hệ thống an toàn gia tăng đựơc năng suất cũng như thể hiện được trách nhiệm của mình và tạo cho nhân viên niềm tin là Doanh nghiệp đang chăm sóc họ.
Nhiều Doanh nghiệp thu được lợi ích khi đầu tư vào các kỹ thuật an toàn nhằm gia tăng năng suất và hiệu quả. Ví dụ hệ thống khoá nguồn treo bảng hoặc khoá bằng tia hồng ngoại phát hiện công nhân trong khu vực nguy hiểm. tất cả những động tác này nhằm ngăn ngừa những sai lỗi về an toàn lao động và giúp giữ ổn định năng suất trong Doanh nghiệp.
4. Các giải pháp
Theo số liệu nêu trên, phần lớn tập trung vào sai lỗi do không có qui trình đảm bảo an toàn cũng như sức khoẻ đã dẫn đến các tai nạn và sự cố đáng tiếc. Do vậy cần có giải pháp thiết thực để giảm thiểu sự cố, tại nạn nhằm giúp Doanh nghiệp phát triển bền vững và hội nhập vào nền kinh tế thế giới.
  • Nhà nước cần phổ biến rộng rãi hệ thống An toàn và Sức khoẻ nghề nghiệp cho các Doanh nghiệp và có cơ chế hỗ trợ Doanh nghiệp.
  • Doanh nghiệp cần thay đổi quan điểm về an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp. An toàn phải được đặt lên hàng đầu trong mỗi hoạt động của Doanh nghiệp.
  • Áp dụng từng bước hệ thống OHS, bắt đầu từ những bước đơn giản như 5S, Kaizen về an toàn và sức khoẻ, phân tích các mối nguy về an toàn sức khoẻ và áp dụng sau đó tiến đến các các bước phức tạp hơn như soạn thảo các thủ tục về an toàn sức khoẻ và áp dụng.
Phương thức Áp dụng hệ thống OHSAS 18001:2007
  • Đánh giá nhu cầu của nhân viên và khách hàng về an toàn và sức khoẻ
  • Xác định phạm vi áp dụng hệ thống OHS, các thủ tục, qui định cần xây dựng và thực hiện.
  • Lãnh đạo Doanh nghiệp cần cam kết có sẵn nguồn lực để theo dõi các hoạt động,
  • Xác định các mối nguy về an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp có trong các hoạt động của Doanh nghiệp và đánh giá rủi ro các mối nguy.
  • Huấn luyện nhân viên đầy đủ cho nhân viên cách thức phòng tránh các rủi ro
  • Duy trì và cải tiến thường xuyên hệ thống an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp.

0 comments:

Post a Comment

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Top WordPress Themes